Những vấn đề cha mẹ thường lo lắng cho con em mình trong tuổi thiếu niên, nhiều khi phải nhức đầu, mất ngủ bao gồm: (1) Bạn bè của con và cách con chọn bạn. (2) Vấn đề tình cảm, bạn trai bạn gái của con. (3) Những tật hư thói xấu con bắt chước nơi bạn bè như uống rượu, hút thuốc, dùng cần sa ma túy. (4) Tiền bạc: Con thiếu khôn ngoan trong cách sử dụng tiền bạc hoặc gây tốn kém cho cha mẹ quá nhiều. (5) Vấn đề học hành của con, con không lo học hành, bỏ dở nửa chừng hoặc không chịu học những ngành cha mẹ mong muốn. (6) Vấn đề đời sống tâm linh của con.
Trong tuổi thiếu niên, có thể nói, bạn bè là mối quan tâm hàng đầu của con em chúng ta. Nếu có nhiều bạn và được bạn quý mến, chúng sẽ thấy vui và đáng sống, sẽ hăng hái tham gia những sinh hoạt ở trường. Trái lại, nếu không có bạn, hoặc không được bạn chấp nhận, chúng cảm thấy chán nản, mặc cảm, thấy mình là con số không và không muốn tham gia vào việc gì, không muốn ai đâu cả. Khi nói đến tuổi thiếu niên, chúng ta thường nghe hai chữ là popular và peer pressure. Em nào có nhiều bạn là em đó popular, và vì peer pressure, tức là áp lực của bạn bè, các em luôn luôn bắt chước bạn và muốn giống bạn.
Nếu con em chúng ta có những người bạn tốt, đàng hoàng thì chúng ta không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, vì chúng còn dại dột (mà chúng đâu nghĩ thế!!!!!!), nên đôi khi bị những người bạn xấu lôi cuốn hoặc có thể dụ dỗ con em chúng ta vào con đường xấu, chẳng hạn như vào băng đảng và làm những chuyện phi pháp. Nhiều khi cha mẹ vì quá bận rộn, không để ý đến con, con chơi với bạn như thế nào cũng không biết, đến khi con gặp khó khăn với luật pháp mới vỡ lẽ ra là con chơi với những đứa bạn hư hỏng.
Đây là điều rất nguy hiểm, vì một khi con em chúng ta đã vướng vào những đám bạn xấu, khó có thể rút ra được. Có những bậc cha mẹ, khi biết con bị lôi cuốn vào băng đảng, tìm cách đưa con đi nơi khác sống để cắt đứt liên lạc với những đứa bạn không tốt. Nhưng sau một thời gian, khi cha mẹ đón con trở về, các em vẫn bị bạn xấu trả thù, lắm khi bị nguy hiểm đến tính mạng. Vì những nguy hiểm đó, là cha mẹ, chúng ta cần để ý xem con mình chơi với ai, những người bạn đó thuộc thành phần nào hay gia đình nào.
Như chúng ta đã biết, con người chúng ta ở lứa tuổi nào cũng cần có bạn, và chúng ta thường thích kết bạn với những người giống mình. Con em chúng ta cũng thế, các em thích chơi với những người không những cùng tuổi nhưng cũng cùng sở thích. Vì thế, nếu muốn con có bạn tốt, chúng ta phải trước hết uốn nắn, hướng dẫn con của chúng ta trở nên người tốt. Ngoài ra, chúng ta cần tạo cơ hội cho con tiếp xúc gần gũi với những người tốt. Chúng ta có thể giúp con chọn những người bạn tốt bằng cách áp dụng những nguyên tắc sau:
1. Chính cha mẹ phải có những người bạn tốt
Tục ngữ Việt nam có câu: “Cha (mẹ) nào, con nấy”. Câu tục ngữ này cho thấy con cái luôn nhìn vào cha mẹ để noi gương. Nếu cha mẹ giao lưu, kết thân với những người bạn tốt sẽ làm gương cho con cái trong cách chọn bạn.
2. Tham gia vào những sinh hoạt của hội thánh
Tại đây không những chúng ta được học hỏi điều hay điều tốt mà con em chúng ta cũng hấp thu được những điều tốt. Tại hội thánh, nơi Lời Chúa được rao giảng, trước hết, con em chúng ta sẽ tiếp nhận Chúa để được làm con của Chúa, Thánh Linh sẽ ngự trị, cai quản tấm lòng và cuộc đời chúng, sau đó, chúng sẽ được hướng dẫn học Lời Chúa. Lời Chúa là ngọn đèn soi lối cho bước chân của chúng, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng trên đường đời. Khi chúng ta sống theo Lời Chúa dạy, con cái chúng ta cũng làm theo Lời Chúa, giữa cha mẹ và con cái sẽ có sự thông cảm, mối quan hệ giữa cha con và mẹ con sẽ trở nên khắng khít, đậm đà.
3 Kết thân với những người bạn tốt trong cộng đồng, có con cùng tuổi với con của mình
Khi chúng ta kết bạn và thường xuyên gặp gỡ những người có cùng tiêu chuẩn sống với mình, chúng ta sẽ học hỏi lẫn nhau những điều tốt, trao đổi những tin tức cần biết. Con cái chúng ta có cơ hội chơi với con của bạn chúng ta, các em sẽ có ảnh hưởng tốt trên nhau. Không những thế, người này cũng có thể để ý, trông nom con của người kia. Nhờ đó, khi có điều gì bất thường hay điều gì nguy hiểm, chúng ta sẽ biết ngay và có thể giúp nhau đối diện với những khó khăn đó. Nếu chúng ta chỉ dành thì giờ đi làm để nuôi sống gia đình, chỉ biết có gia đình mình và không làm bạn với người chung quanh, chúng ta không những cô đơn, nhưng khi gặp nan đề chúng ta sẽ không biết chạy đến với ai để được giúp đỡ.
4. Mời những gia đình có con cùng tuổi đến nhà
Dù bận rộn, thỉnh thoảng chúng ta có thể chọn một ngày cuối tuần, mời gia đình những người bạn có con cùng tuổi với con chúng ta đến nhà, để các gia đình có dịp trò chuyện, quen biết nhau nhiều hơn. Đây là dịp để các bậc phụ huynh trao đổi buồn vui trong cuộc sống và chia xẻ với nhau kinh nghiệm trong việc dạy dỗ con cái. Cũng là dịp cho con em chúng ta chơi đùa và trò chuyện với bạn bè cùng lứa tuổi.
5. Mời bạn của con về nhà
Một điều khác nữa chúng ta có thể làm để làm quen với bạn của con cũng như giúp con chọn bạn tốt, đó là vào dịp sinh nhật của con hoặc thỉnh thoảng chúng ta mời bạn của con về nhà, nấu một món ăn đặc biệt cho các em, rồi các em ở lại xem một chương trình hay trên ti-vi hoặc chỉ chơi đùa, trò chuyện với nhau. Khi cho con mời bạn về nhà như thế, chúng ta không những được biết bạn của con mà còn đỡ được nỗi lo lắng không biết con đi đâu với bạn, có làm chuyện gì nguy hiểm hay dại dột không? Chúng ta cũng có thể mời những em có tính hạnh tốt mà chúng ta muốn con kết bạn về nhà để con có dịp làm quen với những em đó. Có các con em nhút nhát quá nên không có bạn, lại thường bị những em khác trêu chọc và vì thế lại càng ngại ngùng và càng rút vào cái vỏ ốc của mình hơn. Khi thấy cha mẹ quan tâm, giúp cho mình có bạn các em sẽ vui và thấy tự tin hơn.
Trong trường hợp thấy con chơi với những người bạn mà chúng ta biết là không tốt, cha mẹ không nên tức giận chê bạn của con hoặc cấm con giao du với những người bạn đó. Làm như thế chúng ta chỉ khiến các em thương bạn hơn và càng muốn gần bạn hơn. Chúng ta có thể chọn một thì giờ thuận tiện nói chuyện với con, hỏi thăm xem những người bạn đó là ai, ở đâu. Chúng ta có thể hỏi con những câu như: Con thấy đứa bạn đó như thế nào? Có được nhiều người thích không? Học có khá không? Nó có định lớn lên học ngành gì? Định mai mốt làm nghề gì? Nó với con có gì giống nhau, tại sao con thích chơi với nó?... Khi con em trả lời những câu hỏi đó, chúng ta sẽ biết bạn của con mình là người như thế nào và cũng rõ hơn về quan hệ của con với bạn. Nếu những điều con nói chứng tỏ đó là một em không tốt, không lo học hành, không được nhiều người thích, lúc đó chúng ta có thể nhẹ nhàng bảo con phải cẩn thận, nếu không con cũng sẽ giống như vậy. Lời khuyên bảo nhẹ nhàng của cha mẹ có tác dụng đối với các em hơn là những lời la lối, đe dọa hay cấm đoán
Nhiều khi con em chúng ta quý bạn và cần bạn quá đáng vì không khí trong gia đình không thoải mái. Nếu các em không được sống trong tình thương yêu của cha mẹ, gia đình không êm ấm, các em sẽ đi tìm tình thương nơi bạn. Những em sống trong gia đình đổ vỡ, cha mẹ không hòa thuận với nhau, thường hay bỏ nhà đi chơi với bạn ngày đêm.
Nếu chúng ta bảo bọc con cái quá đáng, chúng sẽ thiếu khôn ngoan trong cách chọn bạn. Ngược lại, những em bị cha mẹ kiểm soát gắt gao, luôn luôn cấm đoán điều này điều kia có thể bày tỏ sự phản loạn bằng cách cố tình chọn bạn xấu để chứng tỏ các em có quyền trên đời sống của mình. Nhưng nếu cha mẹ hướng dẫn con từ nhỏ, rồi khi con lớn, dần dần cho con tự do để quyết định những vấn đề riêng của các em, các em sẽ khôn ngoan hơn trong cách chọn bạn. Nếu gia đình vui vẻ, cha mẹ và con cái có sự thông cảm và tôn trọng nhau, các em thiếu niên sẽ thấy thoải mái, vì thế sẽ không chạy theo bạn và cũng không xem bạn quá quan trọng.
Điều quan trọng nữa là chúng ta không nên xem con cái trong tuổi thiếu niên là trẻ con nhưng đối xử với chúng như người lớn, các em không phải tranh đấu để được tự do, cũng không cần bắt chước bạn để được bạn chấp nhận. Lúc đó các em sẽ không mù quáng nhưng sáng suốt trong việc chọn bạn. Hơn nữa, vì thấy cha mẹ tin cậy, xem mình là người lớn, các em sẽ cẩn thận trong việc chọn bạn để không làm mất lòng tin cậy của cha mẹ.
No comments:
Post a Comment