Gia đình Việt có một nét đặc trưng riêng, mà ở đó có mối quan hệ ruột rà, thân thiết, không thể tách rời giữa các thành viên. Gia đình tạo nên nét đẹp truyền thống của mỗi nhà, mỗi dòng tộc, mỗi xóm làng... Vì vậy, hình ảnh gia đình luôn in đậm trong tâm trí mỗi người, in đậm trong tục ngữ, ca dao của dân tộc.
Từ cái nôi gia đình, mỗi người được sinh ra và lớn lên từ bầu sữa mẹ, từ câu hát đưa nôi (Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn - Nguyễn Duy). Hạnh phúc biết bao khi được sống trong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, tôn trọng và thương yêu lẫn nhau...
Lúc còn nhỏ dại, người con được cha mẹ nuôi dạy, chăm chút hàng ngày. Lúc tuổi xế chiều, người ông, người bà, các bậc sinh thành lại trông chờ vào con cháu. Nên có câu tục ngữ “Trẻ cậy cha, già cậy con” là như vậy! Theo sự phát triển của xã hội, của quy luật; thế hệ sau luôn có những điều kiện thuận lợi để vươn lên. Nhằm khích lệ chí tiến thủ ấy, cha ông ta cho rằng “con hơn cha là nhà có phúc”... Trong gia đình, người cha luôn giữ vai trò trụ cột, tạo nên sự vững vàng cho tổ ấm. Con cái thường “sợ” cái uy nghiêm của người cha vì “mẹ nói một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng”! Do đó, “con có cha như nhà có nóc” - “nhà không nóc” thì nhà bất ổn, con cái thiếu vắng người cha rất thiệt thòi về nhiều mặt trong cuộc sống. Thông thường, người mẹ thương con luôn nặng về tình cảm, nên có lúc cưng chiều quá mức. Vì thế, người xưa nhắc nhở “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”... Nhưng khi con mắc lỗi lầm, người mẹ phải nhận trách nhiệm về mình qua lời đúc kết ngắn gọn: “Con dại cái mang”!
Cuộc sống gia đình không giản đơn mà luôn có những mâu thuẫn phát sinh. Nếu xử lý tốt các tình huống thì không khí gia đình luôn ấm áp, tươi vui và ngược lại. Cha ông ta có câu ca dao thật sinh động và dễ nhớ, dễ ghi vào lòng: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê” hoặc “Chồng giận thì vợ làm lành/ Miệng cười hớn hở, rằng anh giận gì?”.
Trong mái ấm gia đình ấy, anh em ruột thịt “như chân với tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Đã là ruột thịt, anh chị em trong nhà phải hết lòng thương yêu nhau, không đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Khi ở nhà có áo mẹ cơm cha, khi đi ra tận nơi xứ người mới cảm nhận hết nỗi đắng cay cơ cực: “Cơm cha áo mẹ ăn chơi? Bưng bát cơm người đổi bát mồ hôi”. Vì vậy, bổn phận người con là làm tròn chữ hiếu, đền ơn cha mẹ nuôi dạy mình lớn khôn “Bao giờ cá lý hóa long/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa” hoặc “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Nơi mái nhà tranh ấy, nơi ta lớn lên ấy còn có mẹ già mòn mỏi trông con. Người con phải lui tới chăm sóc, thăm viếng mẹ mới là con người có nhân nghĩa: “Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành phận con”.
Bên cạnh đó, người xưa cũng phê phán những kẻ bất hiếu. Lớn lên, anh em mỗi người đều có gia đình riêng, họ lo vun vén riêng mình mà quên bẵng cha mẹ. Để khi cha mẹ già, chẳng có người con nào chăm sóc: “Một mẹ nuôi được mười con/ Mười con không nuôi được một mẹ”.
Có những người con “phân công” nhau nuôi cha mẹ già. Đúng là: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
Thậm chí, có những kẻ bất hiếu với cha mẹ, nhưng khi cha mẹ qua đời lại tổ chức đám ma linh đình chứng tỏ cho thiên hạ biết “ta là người có hiếu”: “Lúc sống thì chẳng cho ăn/ Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi”.
Khó thay việc tổ chức tốt một cuộc sống gia đình và cũng hạnh phúc thay được sống trong một gia đình yên ấm. Dẫu cho cuộc sống hiện đại đang đổi thay từng giờ từng phút, nhưng hình ảnh cuộc sống gia đình trong ca dao, tục ngữ vẫn rất cần cho chúng ta suy gẫm. Mỗi câu tục ngữ, ca dao là một bài học cuộc đời cho mỗi người, cho mỗi tổ ấm gia đình trong cuộc sống hôm nay...
(nguồn: http://www.baohaugiang.com.vn)
No comments:
Post a Comment