Wednesday, April 20, 2011

Nghỉ ngơi đúng cách chữa bách bệnh

Theo thông tin mới nhất thiếu ngủ có thể gây trầm cảm, tăng cân và giảm tuổi thọ, đặc biệt là đối với nam giới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia giấc ngủ, BS Matthew Edlund, nếu không thể ngủ thì nghỉ ngơi cũng sẽ giúp trị được nhiều bệnh như giấc ngủ.
Điều quan trọng là bạn nghỉ ngơi như thế nào.

Trong nhiều năm, TS Edlund giảng dạy về sự quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, từ khôi phục, tái tạo tế bào mới đến kiểm soát cân nặng và sức khỏe tâm thần. Nhưng sau này, ông nhận ra giấc ngủ không thực sự chữa được tất cả các bệnh như ông nghĩ.

Ngay cả khi TS Edlund giúp bệnh nhân có thể ngủ nhiều và tốt hơn thì sức khỏe của họ vẫn rất kém. Ông phát hiện ra rằng sự nghỉ ngơi đóng vai trò rất quan trọng – và thường bị bỏ qua – trong việc khôi phục, tái tạo và trẻ hóa cơ thể. Và hiện nay, Edlund tin rằng sự nghỉ ngơi quan trọng không kém gì giấc ngủ trong việc duy trì sức khỏe lâu dài.

“Nhiều người bận rộn đến mức cho rằng nghỉ ngơi là sự lãng phí. Nhưng thực sự, nghỉ ngơi là 1 nhu cầu sinh học của cơ thể. Tất cả các minh chứng khoa học đều cho thấy chúng ta cần sự nghỉ ngơi như cần thực phẩm”, TS Edlund nói

Tuy nhiên, “sự nghỉ ngơi không có nghĩa là thả mình vào chiếc ghế sofa đặt trước màn hình tivi.

TS Edlund cho biết việc xem truyền hình giống như sự nghỉ ngơi “thụ động”. mặc dù thời gian chết này cho có sự hình thành tế bào mới nhưng cơ bản là não vẫn ù lì (nghiên cứuu cho thấy trong một số trạng thái “nghỉ ngơi”, năng lượng được sử dụng nhiều hơn so với khi não đang thực hiện nhiệm vụ.

Ông cho biết những gì chúng ta cần là sự nghỉ ngơi “tích cực” – điều này sẽ làm bạn cảm thấy lanh lợi và tích cực hơn, giảm stress và cho bạn cơ hội để sống khỏe và sống thọ hơn.

TS Edlund cho rằng có 4 loại nghỉ ngơi tích cực: nghỉ ngơi xã hội, nghỉ ngơi tinh thần, nghỉ ngơi thể chất và niềm tin (thư giãn bằng thiền định và cầu nguyện).

Hiện Edlund chưa thể chỉ ra được là chúng ta cần bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông tin rằng các loại nghỉ ngơi dưới đây đều rất cần trong cuộc sống hằng ngày:

Nghỉ ngơi xã hội

Điều này tức là dành thời gian cho bạn bè, các mối quan hệ và thậm chí là trò chuyện với đồng nghiệp.

Vậy nên, đừng nghĩ rằng mình đang bận ra sao mà là thiết lập nghỉ ngơi xã hội như thế nào trong mỗi ngày.

Một nghiên cứu nổi tiếng (Mỹ) ở thế kỷ 17 cho thấy hòa nhập xã hội không chỉ tạo ra sự thư giãn mà còn rất thiết yếu đối với sự sống của con người. Những người cởi mở, hòa nhập sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim cũng như các bệnh khó chữa khác.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu xác nhận mối liên quan này, chứng minh rằng sự hỗ trợ của các mối quan hệ xã hội không chỉ mang thêm thời gian sống cho bệnh nhân ung thư mà còn giúp chúng ta chiến thắng các bệnh truyền nhiễm, trầm cảm cũng như nguy cơ tử vong do đột quỵ.

Chỉ cần trò chuyện với bạn bè là đủ để giảm hoóc-môn stress và tăng tiết các hoóc-môn có lợi cũng như những lợi ích tinh thần khác.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng các mối liên hệ xã hội ít nhất cũng cho bạn thấy tuổi thọ hay sức khỏe bị ảnh hưởng ra sao nếu bạn béo phì hay hút thuốc.

Một tin thú vị nữa là tình dục cũng được xếp vào nghỉ ngơi xã hội.

Nghỉ ngơi tinh thần

Ngày nay chúng ta thường cố gắng để làm thật nhiều việc cùng 1 lúc: nhắn tin trong khi lái xe, ăn trong khi xem tivi… và hậu quả là đánh mất đi nhu cầu tìm hiểu của não bộ bằng cách tập trung vào 1 việc.

Sự kết hợp này, dù chỉ trong một thời gian ngắn, cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm thay đổi huyết áp, nhịp tim và thân nhiệt. Vậy nên sự nghỉ ngơi tinh thần là hãy hết mình với 1 công việc đơn giản nào đó và đừng để những điều đang bận tâm làm ảnh hưởng dù chỉ trong 1 thời gian ngắn.

Một cách đơn giản giúp bạn tập trung 1 cách có kiểm soát là hãy nhìn thẳng và đưa mắt lên phía đầu như thể bạn đang nhìn lên trần nhà. Tiếp đó, với ánh mắt hướng lên, hãy nhắm mắt lại. Tập trung vào việc hướng ánh mắt lên trên và hít thở sâu với quãng thở là đếm từ 1-8 sao cho nhịp hít vào - thở ra chia đều nhau. Khi bạn thở ra, cảm giác thư giãn lan tỏa từ gáy đi xuống cơ thể cho đến khi bạn cảm nhận được rằng nó đã lan tới tận các ngón chân. Bây giờ, hãy thử nghĩ tới 1 bãi biển đầy nắng hay 1 cánh rừng với những đốm nắng xuyên qua tán cây. Hãy tưởng tượng mình đang đi trong đó và ngắm cảnh vật xung quanh. Khi bạn đã sẵn sàng kết thúc, vẫn giữ ánh mắt hướng lên trên, hít thật sâu và rồi mở mắt, đưa ánh mắt trở lại tầm nhìn bình thường.

Nghỉ ngơi thể chất

Đây là sự phối kết hợp các hoạt động của toàn cơ thể để cơ thể và tâm trí thư thái, bình tĩnh.

Cách tốt nhất để làm điều này là dừng mọi việc lại và hãy hít thở thật sâu. Hít một hơi thật sâu sẽ cung cấp ô-xy cho phổi, khai thông những nơi không khí chưa được đẩy tới, vận chuyển ô-xy vào máu đi khắp cơ thể.

Hãy thử kỹ thuật này: Đứng thẳng với hai chân mở rộng ngang vai, các ngón chân hướng về phía trước. Nhìn thẳng và cố gắng sắp cho mắt cá chân, đầu gối, hông và vai vào 1 đường thẳng tưởng tượng. Quay vai ra sau, hạ cằm xuống và hít 1 hơi thật sâu (đếm từ 1-4), cảm giác như không khí đang tràn đầy trong phổi khiến lồng ngực mở rộng.

Thở ra từ từ (đến tiếp tới 8), nghe và hình dung ra đường đi của không khí khi bạn thở. Toàn bộ tâm trí chỉ tập trung vào 2 việc:  Chỉ tập trung vào hai việc: giữ sao cho tư thế được đúng và hít thở sâu, đều.

Một cách tuyệt vời khác cho sự nghỉ ngơi thể chất là ngủ trưa (15-30 phút nếu bạn cảm thấy mệt. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hy Lạp đã chỉ ra rằng một giấc ngủ ngắn 30 phút ít nhất 3 lần/tuần sẽ giúp giảm 37% nguy cơ đau tim. Một nghiên cứu của NASA cho thấy một giấc ngủ ngắn trong 26 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc là 38%.

Nghỉ ngơi niềm tin

Những hình chụp não bộ cho thấy những người tập thiền thành công có thùy trán trước (phần điểu khiển sự tập trung, chú ý) phát triển hơn, nhiều chất béo hơn; lượng chất xám trong não giữa (điều khiển các chức năng như hô hấp, tuần hoàn) và vỏ não trước trán (quan trọng cho sự phối hợp các cơ và các hoạt động ghi nhớ) cũng “lớn lên”. Cấu trúc của thalamus (một phần của bộ não giúp xử lý thông tin từ các phần của cơ thể) có sự thay đổi.

Cầu nguyện cũng cho những lợi ích tương tự. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người thường xuyên tham gia các hoạt động tôn giáo sống lâu hơn những người “vô thần”. Mặc dù một số lợi ích này nằm trong nghỉ ngơi xã hội nhưng kết quả chụp não cho thấy những lời cầu nguyện cũng giống như sự thiền định.
 (nguồn: dieuduong.com.vn)

No comments:

Post a Comment