Thái độ tích cực là điều kiện cần có để thành công. Nhưng để đáp ứng yêu cầu cụ thể của công việc thời đại kỹ thuật số, bạn cũng cần phải có các kỹ năng thích hợp. Một số các kỹ năng được dạy ở trường, được học được từ công việc và học từ kinh nghiệm thực tế nói chung. Sau đây là 10 kỹ năng cơ bản cho hầu hết các công việc và cho cuộc sống hàng ngày thời công nghệ số.
1. Kỹ năng diễn đạt.
Khả năng nói rõ ràng, đầy thuyết phục và mạnh mẽ dù đối tượng là 1 người hay nhiều người. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng cần phát triển. Những người đạt được hiệu quả tốt trong giao tiếp sẽ thoải mái hơn với bản thân, nhiều tự tin hơn và hấp dẫn hơn. Bạn có thể nói một cách hiệu quả có nghĩa là bạn có thể thương lượng mua bán bất cứ sản phẩm gì và nghĩa là bản thân sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, có nhiều khách hàng lớn hơn, hoặc dễ được tài trợ kinh doanh. Ngoài ra, giao tiếp là kênh quan trọng để truyền tải nội dung công việc cũng như củng cố quan hệ đồng nghiệp. Do đó, cho dù là bạn có ý khen ngợi hay phê bình, hoặc góp ý xây dựng thì bạn cần phải biết rõ những gì mình nói và mở đầu câu chuyện như thế nào cho hiệu quả nhất.
Viết cũng là một cách diễn đạt cung cấp nhiều lợi thế tương tự như nói. Không đòi hỏi bạn phải viết hay như một nhà văn, nhưng học cho biết cách viết để diễn đạt ý tưởng rõ ràng, thống nhất và đúng mục tiêu, đúng đối tượng thì hiệu quả sẽ thuyết phục hơn. Vì thế, cố gắng đừng nhầm lẫn giữa thói quen “chat” với bạn bè và cách tạo văn bản khi giao dịch công việc.
2. Kỹ năng chú tâm.
Rèn luyện năng lực nhận thức bản thân, để có thể chú tâm vào công viêc trong cuộc sống hàng ngày, sẽ giúp bạn tận dụng thời gian hiệu quả hơn và chuẩn bị tinh thần để bước vào những trải nghiệm mới. Chú tâm là một trong những kỹ năng quan trọng, nó chính là một phần của “kỹ năng nhân thức bản thân”. Bạn không thể học, không thể làm tốt bất cứ cái gì nếu bạn không chú tâm. Khi chú tâm vào công việc, chúng ta dễ có hứng thú và đạt được hiệu quả cao hơn. (Việc rèn luyện này dựa trên sự quan sát tâm trí mình và quan sát những cảm nhận xuất hiện trong đó như: suy nghĩ, cảm xúc, mong cầu và sợ hãi). Trong thời đại công nghệ số, tiêu chuẩn nhanh, chính xác, hiệu quả và liên tục thay đổi càng đòi hỏi yêu cầu chú tâm nhiều hơn nữa.
3. Kỹ năng quyết đoán.
Quyết đoán không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám làm. Một việc gì nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì tại sao thành công lại không thể đến. Những người quyết đoán thường là những người tự tin và biết mình cần gì ở cuộc sống. Họ cũng theo đuổi những gì họ muốn với tất cả nhiệt huyết và lòng quyết tâm. Họ thường là những người thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt là cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số.
4. Kỹ năng phán đoán.
Khả năng nhanh chóng làm việc với các con số trong đầu sẽ giúp bạn thực hiện khá chính xác sự ước lượng tổng quan, nhanh chóng nắm bắt những thứ như số liệu thống kê cơ bản, lãi suất, lợi – hại, nên - không nên…, cung cấp cho bạn một chỉ dẫn sơ khởi quan trọng cho hầu hết các sự việc. Kỹ năng này sẽ giúp bạn dựa vào nó để phân tích dữ liệu hiệu quả hơn, nhanh hơn và làm cho quyết định của bạn tốt hơn.
5. Kỹ năng sử dụng Internet một cách hiệu quả.
Không ai có thể biết và nhớ tất cả mọi thứ, hoặc thậm chí chỉ là một phần nhỏ của tất cả mọi thứ. Ngay cả trong lĩnh vực sở trường của bạn, rất có thể là còn có rất nhiều điều bạn không biết hơn là những điều bạn đã biết. Hẳn nhiên, bạn không cần phải biết tất cả mọi thứ, nhưng bạn sẽ có thể nhanh chóng và không mất nhiều công sức để tìm hiểu những gì bạn cần phải biết. Đó có nghĩa là hãy học cách sử dụng Internet hiệu quả, học cách tận dụng internet, sử dụng một thư viện khổng lồ để học tâp. Từ những nghiên cứu đó, nó sẽ là cách tốt nhất giúp bạn trong rất nhiếu trường hợp, cả công việc và cuộc sống. Ngoài ra, kết nối mạng không chỉ để tìm kiếm việc làm hoặc tìm kiếm khách hàng. Nó còn là một mạng lưới mà qua đó các tương tác tạo nên ý tưởng mới và cung cấp sự hỗ trợ để nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo cho đến khi có thể thực hiện được.
6. Kỹ năng dùng tiền.
Có một thực tế đơn giản trong xã hội chúng ta rằng: tiền bạc là cần thiết. Ngay cả những niềm vui “nho nhỏ” trong cuộc sống cũng cần một ít tiền, và bạn cũng cần tiền để sống sót, cho dù sống cũng chỉ để hưởng những niềm vui đơn giản… Vì thế, các nguyên tắc chi tiêu tiết kiệm cũng là một kỹ năng cần học, cần áp dụng rộng rãi trong công việc và đời sống.
7. Kỹ năng thư giãn.
Bạn có thể mắc bệnh, có thể chết sớm vì stress. Không những thế, áp lực căng thẳng còn làm cùn lụt tâm trí, làm suy giảm khả năng thực có của bạn. Không biết thư giãn, không dành thời gian cho mình, làm việc cho đến chết để thành công và không có bất kỳ thời gian nào để tận hưởng những thành quả của bạn, thành công đó không thực sự còn là "thành công" nữa.
8. Ngoại ngữ.
Ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng với tất cả mọi người trong mọi ngành nghề. Biết thêm ngôn ngữ khác giúp tư duy cởi mở hơn, nhạy bén hơn, hiểu biết hơn và không ngần ngại trước bất kỳ một sự thay đổi mới mẻ nào. Trong thời đại công nghệ số, ích lợi và sự cần thiết của ngoại ngữ lại càng rõ ràng.
9. Tự lập – Tự học.
Thành công phải bắt đầu từ tinh thần, đó chính là tinh thần yêu nước, hiếu học, sáng tạo, vượt khó, tự thân vận động. Đồng thời, con đường tốt nhất đưa đến thành công là được học hành để khai thác tiềm năng của bản thân. Tạo cơ hội cho tương lai không chỉ dành riêng cho những người có bằng cấp. Không có điều kiện học ở trường, nhưng có tinh thần tự học thì “trường học internet” là phương tiện hiệu quả và ít tốn kém nhất để học. Phụ thuộc hay không phụ thuộc vào công nghệ số, internet lợi hay có hại, câu trả lời sẽ tùy vào kỹ năng tự lập – tự học của mỗi người. Nếu bạn luôn nghĩ rằng: Mình sẵn sàng chịu trách nhiệm, kiên trì thực hiện cho kỳ được kế hoạch, ước mơ của mình thì sự tự lập thân của bạn đã được bước khởi đầu tốt đẹp trên con đường sự nghiệp.
10. Chủ động tiếp nhận thông tin tri thức.
Nếu bạn chỉ thụ động tiếp nhận thông tin một cách thiếu tỉnh táo, có thể bạn sẽ phải trả giá rất đắt cho điều đó. Vì thế, khi đọc được một thông tin hay tiếp nhận một kiến thức mới, bạn phải nghiên cứu ở nhiều nguồn, xem xét nhiều phản hồi khác nhau và không nên thành kiến, không cố chấp. Như vậy, bạn mới thấy được bản chất thật của vấn đề, tránh tình trạng a dua theo thông tin và sớm loại bỏ những hiểu biết “vớ vẩn”. Cho dù “tri thức” đó có do Giáo sư, Tiến sĩ gì đi chăng nữa, bạn cũng phải tìm hiểu thêm chứ không thể tin ngay. Vì bởi, bạn sẽ dễ dàng nghi ngờ những tin tức lá cải, các quảng cáo, các thông tin về những “chân dài lưng ngắn”…, nhưng với các tri thức được tuyên bố từ những vị “trí thức” thì lại là chuyện khác, thật khó cho bạn khi phải tự nghiệm. Khó! Nhưng để xây dựng nền tảng tri thức cho bản thân, không có cách nào khác là phải Nghi, phải Hỏi, phải Xét Đoán, phải Tự Do không Sợ Hãi… trong suy nghĩ. Đó chính là kỹ năng suy nghĩ độc lập, chủ động tiếp nhận thông tin tri thức để hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng khác theo đà phát triển của thời đại công nghệ số.
(Nguồn: dieuduong.com.vn)
No comments:
Post a Comment